Xuất khẩu tôm sú sang EU tăng hơn 100% trong quý đầu năm

(vasep.com.vn) Quý 1 năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt trên 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ. Sau khi tăng 19% trong năm 2021, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này trong quý 1 năm nay đã bật tăng 66%.

Trong quý đầu năm nay, XK tôm chân trắng sang EU tăng 59% trong khi XK tôm sú tăng 107% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, XK tôm sú sống/tươi/đông lạnh tăng 117%. Các thị trường NK tôm sú lớn nhất trong khối EU lần lượt là Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, Bỉ, Pháp.

Các sản phẩm tôm sú chủ yếu XK sang EU gồm tôm sú nguyên con tươi đông lạnh, tôm sú PD tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu EZP tươi đông lạnh, tôm sú bỏ đầu HLSO EZP tươi đông lạnh, tôm sú IQF tươi đông lạnh, tôm sú PDTO hấp chín IQF, tôm sú HOSO tươi đông lạnh, tôm sú CPTO hấp đông lạnh…

Trên thị trường EU, lĩnh vực bán buôn và bán lẻ ưa chuộng các sản phẩm tôm sú HLSO và bóc vỏ, cỡ 16/20 và 51/60, lĩnh vực tái chế biến có nhu cầu cao với các sản phẩm tôm sú HOSO, HLSO và tôm bóc vỏ block, cỡ 16/20 và 51/60.

Các nhà cung cấp tôm sú cho thị trường EU gồm Bangladesh, Madagascar, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar…Là nguồn cung tôm sú lớn thứ hai cho thị trường EU, tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều.

Trong khi, Indonesia, Ấn Độ chưa sản xuất được nhiều sản phẩm tôm “organic”-sản phẩm mà thị trường EU đang có nhu cầu cao. Madagascar chưa sản xuất được nhiều tôm sú trong khi giá thành sản xuất cao, chủ yếu chỉ cung cấp tôm sú cho thị trường Pháp. Còn các nhà cung cấp tôm sú Bangladesh cho thị trường EU phần nào bị giảm sức cạnh tranh do sản phẩm tôm sú chưa đạt chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc. Nguyên nhân là do các nhà chế biến hoặc XK chưa liên kết chặt chẽ được với người nuôi. Do vậy, tôm sú Bangladesh chỉ chủ yếu cung cấp cho các phân khúc thấp hơn trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm.

XK tôm sú Bangladesh sang EU vẫn được hưởng ưu đãi thuế từ GSP+. Bangladesh có lợi thế về các sản phẩm tôm cỡ trung bình từ 16/20 đến 36/40 trong khi chưa sản xuất được nhiều tôm sú cỡ lớn.

Nhu cầu tôm nói chung và tôm sú nói riêng tại EU dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới và các nhà nhập khẩu và phân phối tại thị trường châu Âu sẽ chuẩn bị các đơn hàng từ thời điểm này.

Nguồn: https://vasep.com.vn/san-pham-xuat-khau/tom/xuat-nhap-khau/xuat-khau-tom-su-sang-eu-tang-hon-100-trong-quy-dau-nam-24384.html