Cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Đồng Tháp, với thế mạnh nuôi cá thương phẩm phục vụ xuất khẩu.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh đến năm 2030, thời gian qua, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã tổ chức lại sản xuất các ngành hàng chủ lực theo hướng áp dụng đồng bộ các giải pháp giúp kéo giảm giá thành, phát triển chuỗi liên kết tiêu thụ, ứng dụng công nghệ thông minh vào sản xuất. Trong đó, cá tra là một trong 5 ngành hàng chủ lực trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
Với thế mạnh nổi trội trong việc nuôi cá tra thương phẩm, nhiều năm qua, ngành thủy sản liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng theo chiều hướng tích cực, đóng vai trò quan trọng vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Ông Lê Thành Đông, có 1ha mặt nước nuôi cá tra ứng dụng công nghệ cao ở huyện Châu Thành – Đồng Tháp cho biết: Cá tra nuôi từ 7-9 tháng đạt sản lượng từ 380 – 400 tấn/ha, giá bán 28.000 – 29.000 đồng/kg, trọng lượng trung bình đạt 1 con/kg.
Trong quá trình nuôi ông Đông sử dụng hệ thống máy cho cá ăn tự động và áp dụng đúng quy trình nuôi nên giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), giúp cá tăng trưởng nhanh và đều hơn, thích hợp trong nuôi cá tra giai đoạn giống và giai đoạn đầu của nuôi thâm canh, cá phát triển tốt.
Mô hình từng bước giúp hộ nuôi thực hiện theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, hạn chế sử dụng thuốc, hóa chất, kiểm soát ở giới hạn cho phép… nhằm đảm bảo sức khỏe cho người nuôi và môi trường xung quanh.
Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và nước sạch nông thôn Đồng Tháp cho biết: Trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản, Đồng Tháp đã triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2018 – 2025.
Trong đó, tỉnh Đồng Tháp có 4 vùng sản xuất giống cá tra tập trung với tổng diện tích 400ha tại thị xã Hồng Ngự, các huyện: Hồng Ngự, Cao Lãnh và Châu Thành. Mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021 – 2025 sẽ hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương với hoạt động ổn định, bền vững. Cung cấp 100% con cá tra giống chất lượng cao toàn tỉnh với nhu cầu là 1,5 tỷ con cá tra giống.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, chiến lược của Đồng Tháp cũng đề ra giải pháp như cần áp dụng công nghệ cao để tập trung sản xuất thành công các loại giống thủy sản sạch bệnh, thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi.
Đặc biệt, các dự án phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản, đồng thời còn lồng ghép các vấn đề môi trường trong quá trình hoạch định kế hoạch phát triển thủy sản theo từng lĩnh vực ngành. Đẩy mạnh áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường để giảm thiểu và xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất cho ngành thủy sản, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, sản xuất quy mô công nghiệp.
Nguồn: https://nongnghiep.vn/dong-thap-chon-ca-tra-la-nganh-hang-chu-luc-d332658.html