Thuỷ, hải sản chế biến: Đã đa dạng hơn

Hơn 90% trong số trên 200 mặt hàng thuỷ sản đông lạnh đang bày bán trong các siêu thị, cửa hàng hiện nay là sản phẩm của các công ty Việt Nam, theo ước tính của các siêu thị.

Tính từ lúc những mặt hàng đông lạnh đầu tiên thâm nhập vào siêu thị, đến nay tròn mười năm.

Nhiều thực phẩm chế biến từ thủy hải sản

Từ cá tra đến cá linh

Năm 2002, sau vụ ngư dân Mỹ kiện cá da trơn Việt Nam bán phá giá, người tiêu dùng chú ý đến việc cá tra nguyên con, philê bắt đầu được bày bán khắp các chợ. Tháng 8/2002, xuất hiện hơn 30 món chế biến từ cá tra của Agifish cho thị trường nội địa. Sản phẩm từ cá của Agifish có lạp xưởng, chà bông, bánh phồng, khô ăn liền, cá viên, cá kho tộ, chạo cá, chả giò… và cả những món ăn chơi, chế biến cho tiệc như bao tử cá, cá philê… Agifish đầu tư riêng nhà máy chế biến cá sơ chế gồm: cá đông lạnh, cá nguyên con, cá cắt khoanh, cá philê … và hàng giá trị gia tăng như cá kho tộ, cá viên, chả cá… tiêu thụ trong nước.

Các công ty khác cũng bắt đầu đưa cá tra vào thị trường nội địa như công ty HMI đưa cá tra vào các nhà hàng khách sạn. Công ty Việt Á tung ra khoảng 30 mặt hàng các loại về cá tra. Công ty An Vĩnh chọn chuyên một mặt hàng là philê cá tra để phân phối vào siêu thị. Đến cuối năm 2005, thị trường có khoảng 50 sản phẩm từ cá tra của mười doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu lớn như Agifish, Fiex, APT… Ngay cả siêu thị cũng có xây thương hiệu riêng để bán cá tra chế biến.

Trước Agifish, một vài công ty cũng đưa cá tra vào siêu thị nhưng không được chú ý, không làm doanh thu bán hàng siêu thị tăng mạnh.

Khoảng hai năm sau, sản phẩm cá linh chế biến được công ty Antesco chào hàng ở các siêu thị trong nước sau khi xuất khẩu cá linh đóng hộp sang Đông Âu và Mỹ.

Một số doanh nghiệp ước tính, doanh số tiêu thụ nội địa của họ đã lên tới 50 – 60 tỉ đồng/năm.

Doanh thu nội địa tăng cao từ thủy hải sản

Từ sơ chế tới món ăn sẵn

Hiện nay, ngoài sản phẩm chế biến từ hai loại cá trên, người dùng có thể chọn cá rô bí, rô mè, bống trứng, bống rạng, lòng tong. Con cá, con tôm không chỉ gói gọn trong hàng đông lạnh mà còn xuất hiện trong các món lẩu hay cá kho tộ. Theo công ty SGfishco với món lẩu có gói nước dùng pha chế sẵn tiện lợi giúp cho họ cải thiện vị thế nhà cung cấp cho siêu thị. Các công ty An Vĩnh, Phi Long, Phú Thạnh khai thác nhu cầu thưởng thức cá đồng nghịch mùa của dân Sài Gòn với món rô bí, rô mè, bống trứng, bống rạng, lòng tong. Các loại này ngoài loại sơ chế, còn có loại tẩm gia vị… So với mua cá đồng tươi sống, một khay cá rô bí đông lạnh mắc gấp 3 – 4 lần, nhưng hai yếu tố tạo nên lợi thế cho sản phẩm chính là “có ngay” (dù trái mùa) và “tiện dụng” (đã sơ chế – làm sạch) đã giúp sản phẩm bán quanh năm ở các tủ đông lạnh trong siêu thị.

Dạo một vòng siêu thị, có thể thấy nhóm hàng chế biến sẵn cơ bản có thể đủ cho một bữa ăn gia đình, từ nồi canh chua cho tới cá bống kho tiêu và cả đồ xào. Khoảng 50 nhà cung cấp giành chỗ trên khay hàng đông lạnh ở các món cá kho, mắm chưng, cá xốt cà, chả cá… với giá chênh nhau từ 700 – 4.000đ/100g của cùng một món, với hình thức đóng gói bằng hộp thiếc có khoen để giật nắp mở tiện dụng, thố đựng bằng nồi đất, hay bao bì màng nhôm dễ hâm nóng, nướng chín… Thậm chí với cùng một loại nguyên liệu, nhà cung cấp tìm cách thay đổi khẩu vị chế biến để thu hút khách: chẳng hạn với món cá trứng có tẩm wasabi, gia vị cay, tẩm cốm, tẩm bột chiên xù…

Theo ghi nhận từ các nhà kinh doanh siêu thị, trong giai đoạn 2000 – 2009, ngành thực phẩm chế biến phát triển mạnh nhất là những năm 2004 – 2008 khi hệ thống siêu thị liên tục mở rộng điểm bán. Theo các nhà sản xuất, sản phẩm chế biến sẵn hay sơ chế chủ yếu bán qua hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn, với khoảng 80% doanh thu. Ngoài sản phẩm trong nước, các công ty Biển Đông, An Vĩnh, Trung Sơn… đưa vào bán trong siêu thị cá hồi Alaska, các ngừ đại dương, cá nhập từ Nhật như sama (hiệu Maruo), cá trứng shishamo (hiệu Yamasan) và cá saba (Maruo)… liên tiếp làm mới bằng cách chế biến như tẩm cốm, xiên que để nướng, cắt lát ăn sống, tẩm mù tạt cay… Theo Maximark, có 20% khách của họ mua thực phẩm chế biến hàng tuần, khoảng 5% khách có thẻ mua thực phẩm chế biến ở mức 100 – 150 ngàn đồng/tuần.

Nguồn: Doanh nhân Saigon Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *