Giữ giá cá tra, sản lượng nuôi cá bao nhiêu là đủ?

Trước tình hình giá cá tra tăng cao, không ít ý kiến bày tỏ lo lắng người nông dân sẽ ồ ạt đầu tư nuôi cá trở lại, rất có thể chu kỳ giảm giá sẽ lại diễn ra vào năm 2023. Rõ ràng, để tránh rủi ro vì cung vượt cầu, các địa phương cần tìm phương án đầu tư lâu dài, bền vững hơn cho con cá này.

Chưa liên kết bao tiêu, chưa mở rộng ao nuôi cá tra

Hiện An Giang có trên 1.236 ha diện tích nuôi cá tra. Trong đó, doanh nghiệp liên kết với hộ nuôi 1.049 ha (chiếm 85%), hộ không liên kết liên kết là 187ha (chiến 13%), sản lượng ước 400.000 – 450.000 tấn/năm.

Figure 1 Nuôi cá tra tại xã Tân Thành A, H.Tân Hồng, Đồng Tháp

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh An Giang, tỉnh xác định phát triển con cá tra theo liên kết chuỗi có chỉ dẫn địa lý, mã số vùng nuôi, gắn với thị trường tiêu thụ… Do đó, người dân không nên mở rộng diện tích nuôi cá tra khi chưa liên kết bao tiêu với doanh nghiệp.

Tại Đồng Tháp, diện tích cá tra hiện đạt hơn 1.000ha, trong đó có gần 700ha áp dụng nuôi nuôi các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, BAP, ASC,… Mặc dù giá cá tra tăng nhưng tỉnh này xác định vẫn giữ ổn định vùng nuôi. Ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã quy hoạch phát triển các vùng sản xuất cá tra theo mô hình lớn, tập trung để đảm bảo yêu cầu xuất khẩu.

Theo đó, các vùng sản xuất cá tra chuyên canh tập trung tại huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh. Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm. Bên cạnh đó, chuỗi liên kết – hợp tác trong sản xuất cá tra tại đây cũng đã phát triển khép kín.

Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu. Các hộ nuôi nhìn chung đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến, nhờ đó giảm được rủi ro thua lỗ.

Cũng như An Giang và Đồng Tháp, các địa phương khác ở ĐBSCL như Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng,… đang vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.

Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao

Nhằm giúp người dân giảm chi phí sản xuất, giảm tổn thất trong quá trình nuôi, các địa phương ĐBSCL cũng tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”.

Ông Trần Văn Hùng – Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hùng Cá (tỉnh Đồng Tháp) – một đơn vị nuôi và xuất khẩu cá tra có tiếng ở (ĐBSCL) nhận định, trong thời gian tới, giá cá nguyên liệu có thể tăng mặc dù không nhiều. Theo đó, cá tra của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.

Cân đối sản lượng cá tra vừa đủ, thậm chí cung ứng ra thị trường thiếu một chút

Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, người dân không nên thấy giá tăng mà mở rộng diện tích nuôi.

“Khi người nông dân nuôi nhiều, dẫn đến cung vượt cầu khiến giá sụt giảm. Lúc này, sẽ có doanh nghiệp được hưởng lợi vì được mua trả chậm với giá thấp” – ông Hùng cảnh báo.

Cũng như ông Hùng, bà Tô Tường Lan – Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, cơ quan chức năng các địa phương cần định hướng cho người nuôi và doanh nghiệp cân đối được cung cầu, tránh tình trạng phát triển “nóng” như đã diễn ra vào thời điểm 2018 (lúc này giá cá tra đạt mốc 30.000 đồng/kg, nông dân đã ồ ạt thả nuôi, dẫn đến cung vượt cầu – PV).

“Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá” – đại diện VASEP khuyến cáo.

Theo bà Lan, sản lượng cá tra nguyên liệu năm 2022 chỉ nên duy trì ở mức 1,6 triệu tấn.

Bà Lan cũng đưa ra dự báo xuất khẩu cá tra Việt Nam năm nay sẽ đạt mức tăng trưởng 20-25% so với năm 2021 (năm 2021 đạt gần 1,62 tỷđô la Mỹ). Trong đó, thị trường Trung Quốc chiếm 31% trong tổng xuất khẩu toàn ngành; Mỹ chiếm 23%; CPTPP chiếm 13% và Liên minh châu Âu (EU) chiếm 6,6%.

Tại hội nghị triển khai kế hoạch phát triển ngành hàng cá tra năm 2022, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân nhận định: Tăng trưởng “nóng” sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây mất cân đối cung cầu và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.

“Đề nghị doanh nghiệp, người nuôi cần thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện nuôi cá tra, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm thiểu rủi ro, giảm giá thành sản xuất, nuôi có chứng nhận để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, cần tuân thủ các quy định về sử dụng hóa chất, kháng sinh trong nuôi cá tra; nâng cao chất lượng sản phẩm; thực hiện truy xuất nguồn gốc” – ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.

(Theo danviet.vn)