10 nhà xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Trung Quốc bao gồm Nga, Ecuador, Việt Nam, Ấn Độ, Canada, Hoa Kỳ, Indonesia…
Mặc dù EU và Hoa Kỳ là các thị trường chiếm tỉ trọng lớn với giá tốt cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, nhưng sức tiêu thụ các khu vực này đang bị tác động bởi lạm phát. Ngoài ra, chi phí logistics quá cao khiến cho thủy sản từ Việt Nam vào Hoa Kỳ, EU đang bị cạnh tranh gay gắt về giá cả so với Ecuador và Ấn Độ.
7 tháng đầu năm, xuất khẩu thuỷ sản từ Việt Nam vào Trung Quốc đạt hơn 934 triệu USD, tăng xấp xỉ 81% so với cùng kỳ.
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Thực phẩm Sao Ta dẫn chứng với mặt hàng tôm. Một container 40 feet xuất đi Hoa Kỳ đang gánh 20.000 USD chi phí logistics, trong khi từ Ecuador sang Hoa Kỳ chỉ khoảng 5.000 USD. Như vậy, mỗi container 15 tấn họ giảm được 15.000 USD chi phí giá thành thì giá tôm của họ đã rẻ hơn chúng ta 1 USD/kg, ông Lực đánh giá và cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nói riêng và thủy sản nói chung phải khai thác lợi thế chi phí logistics với thị trường Trung Quốc.
Thực tế kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh nhất so với các thị trường khác. 7 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn thứ hai với hơn 934 triệu USD, tăng xấp xỉ 81% so với cùng kỳ 2021.
Đặc biệt, ông Hồ Quốc Lực cho rằng, dư địa vào thị trường Trung Quốc còn rộng vì đây vừa là thị trường đông dân nhất thế giới đồng thời cũng có nhu cầu nhập nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu.
“Chúng ta ở bên cạnh thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, về chi phí logistics sang thị trường này thì chúng ta có lợi thế cạnh tranh hơn so với Ecuador và Ấn Độ”, Ông Lực nêu rõ.
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, Thị trường thủy sản Trung Quốc bùng nổ mang lại cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu thủy sản quốc tế. Nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng của Trung Quốc, cộng với sự thiếu hụt nguồn cung thủy, hải sản trong nước đã khiến nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc tăng lên qua từng năm.